Tin tức

test tt

Tin tức

GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM, ĐÓNG GÓP HIỆU QUẢ

NDĐT – Thời điểm này, những mét cừ vách nhựa uPVC cuối cùng của 32 công trình bờ kè chống sạt lở, chống ngập, ngăn mặn… tại TP Hồ Chí Minh đang được khẩn trương hoàn thiện. Việc này đã góp phần giải quyết tình trạng ngập do mưa và triều cường, góp phần thay đổi cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đây là một trong những công trình ghi dấu ấn chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ lần X của thành phố.

 

Hiệu quả thấy rõ

 

Đứng trên bờ bao Rạch Lò Heo (quận 12), bà Trần Thị Gái hồ hởi chia sẻ: Từ khi chính quyền thi công rồi đưa công trình đê bao chống ngập sử dụng cừ vách nhựa uPVC trên con rạch này vào sử dụng, tình hình đã cải thiện rất nhiều. Trong các cơn mưa kỷ lục vừa rồi, nhà tui và cư dân khu vực nầy cũng không còn “be bờ tát nước” như trước đây nữa.

Theo bà Gái và người dân trong khu vực, trước đây con rạch cũng được đôi lần cải tạo, gia cố bằng cọc, cừ tràm, bao cát nhưng cứ vài năm thì bị sạt lở nên nước tràn vào vườn tược gây hư hại hoa màu, làm ngập các khu dân cư. Khi nghe chính quyền họp dân nói cừ vách nhựa uPVC có thể sử dụng đến 50 năm, người dân tại đây rất vui mừng và an tâm.

Đi dọc theo con rạch có bờ bao sử dụng cừ nhựa dài 588 m vừa hoàn thành vào tháng 7-2015, chúng tôi được biết kinh phí làm công trình này là 11,24 tỷ đồng, tuy có đắt hơn cừ tràm và bao cát nhưng nếu so sánh giá trị sử dụng và độ bền thì loại cừ vách nhựa uPVC này hơn hẳn kiểu làm truyền thống.

Gần đó, cũng trên địa bàn quận 12, khu vực thường xuyên bị ngập trước đây mỗi khi mưa lớn hay triều cường, khu bờ bao Rạch Tư Hổ dài 712 m cũng mới được bàn giao cho chính quyền địa phương vào tháng 8-2015. Khác với hình ảnh mấp mô phản cảm trước đây khi dùng cừ tràm và bờ bao đắp đất, đoạn đê bao chống ngập sử dụng cừ vách nhựa uPVC này nhìn rất thẩm mỹ. Trên bờ đê, địa phương còn trồng cây xanh, trải đá mi nên không còn cảnh lầy lội và xe chạy rất “đằm bánh”. Ông Tư Mến làm nghề chăm sóc mai kiểng gần đó phấn khởi: Cừ vách nhựa làm xong, lại còn được khuyến mãi đường đi, dịp Tết năm nay tui thuê xe lớn vào tận vườn chở mai ra chợ bán được rồi.

Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) Chu Tiến Dũng cho biết: Năm 2012, CNS làm thử nghiệm hai công trình ở Thủ Đức thì thấy hiệu quả về lâu dài cũng như các nguyên vật liệu làm cừ vách nhựa uPVC cũng phù hợp với môi trường, địa lý TP Hồ Chí Minh. Ưu điểm của loại cừ này là nhẹ, dễ thi công, xử lý nhanh các công trình khẩn cấp và không bị o-xy hoá (rỉ sét), lại rất bền. Với đặc tính kỹ thuật của hệ thống cừ vách nhựa uPVC là thi công nhanh và thực hiện được trong mọi điều kiện thời tiết, có thể xây dựng các công trình cấp bách, cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến cộng đồng dân cư, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề…

Sau khi xem xét kết quả triển khai thử nghiệm hai công trình tại quận Thủ Đức, UBND TP Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao cho CNS triển khai 32 công trình đê bao chống ngập sử dụng cừ vách nhựa uPVC với tổng chiều dài 34.155 m bờ bao, tổng mức đầu tư 875,9 tỷ đồng.

Theo ông Chu Tiến Dũng, đến tháng 9-2015 đã có 17 công trình hoàn thành toàn bộ các hạng mục, đang nghiệm thu để bàn giao, đưa vào sử dụng; có 11 công trình đã hoàn thành cơ bản, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Như vậy, về cơ bản đến thời điểm hiện nay, đã có 28/32 công trình (khoảng 88%) trên địa bàn thành phố trực tiếp tham gia vào việc chống ngập trong mùa mưa năm 2015. Còn lại bốn công trình sẽ hoàn thành vào tháng 12-2015.

 

Triển vọng ứng dụng đại trà

 

Theo CNS, hiện đơn vị đã sản xuất được cừ nhựa uPVC để thay thế cho sản phẩm nhập ngoại và ứng dụng rộng rãi trong các công trình thủy lợi, giao thông. Một số đối tác từ Thái-lan, New Zealand và các công trình dân dụng trong nước cũng đã quan tâm tìm hiểu, đặt hàng sản phẩm. Qua mùa mưa 2015, các công trình đê bao chống ngập sử dụng cừ vách nhựa uPVC đã làm người dân trong các khu vực gần sông rạch hoàn toàn hài lòng vì cừ đã bảo đảm khả năng ngăn triều ở mức 1,68 m ngay trong mùa mưa năm nay. Với khả năng chống thấm rất tốt do cừ bản nhựa đóng sâu vào lòng đất nên có thể sử dụng hiệu quả trong các công trình gia cố bờ bao, chống xói mòn bờ kênh, rạch.

Một đoạn công trình đê bao chống ngập sử dụng cừ vách nhựa uPVC.

 

Khẳng định sự đóng góp vào việc thực hiện một trong sáu chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh về xóa, giảm ngập nước trên địa bàn bằng giải pháp đóng cừ nhựa uPVC (thay cho đắp đất, đóng cừ tràm, đổ bê-tông tường vây), đồng chí Nguyễn Hoành Hoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên CNS cho rằng, trong năm 2015, CNS sẽ hoàn thành thi công 32 công trình bờ kè, chống sạt lở và chống ngập, ngăn mặn… nhằm góp phần cùng với thành phố giải quyết dần tình trạng ngập do mưa và triều cường; góp phần thay đổi cảnh quan, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân quanh vùng. Đây cũng là một những công trình ghi dấu ấn những nỗ lực lớn của CNS chào mừng đại hội đảng các cấp.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đề nghị CSN cần tập trung khai thác có hiệu quả năng lực cơ sở vật chất, máy móc thiết bị và các lợi thế đã đầu tư. Tiếp tục phát triển, mở rộng các ngành nghề chính và ngành liên quan tới ngành nghề chính nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hiệu quả sản xuất kinh doanh để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế – xã hội của thành phố; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, công nghệ thông tin vào sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; khuyến khích ứng dụng khoa học – công nghệ mới trong sản xuất – kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn ở từng ngành, từng lĩnh vực.

 

 

- Trích nguồn: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/27830402-giai-phap-tiet-kiem-dong-gop-hieu-qua.html

back-to-top.png