Tin tức

test tt

Tin tức

HIỆU QUẢ CỦA CỪ NHỰA UPVC

Sau nhiều năm nhấp nhổm không yên vì bị vỡ đê gây ngập úng, các hộ trồng mai, nuôi cá vùng ven dọc sông Sài Gòn đã đón những vụ mùa ấm cúng. Những con đê “già cỗi” nay được gia cố bằng các cọc vách nhựa uPVC bắt đầu phát huy hiệu quả. TPHCM đang dần giải quyết cơ bản tình trạng ngập do mưa và triều cường, cải thiện môi trường sống cho người dân vùng ven.

Vùng ven giảm ngập

Tuyến rạch Cầu Cống (phường 28, quận Bình Thạnh) nay đã khoác lên mình chiếc áo mới. Bờ bao cừ tràm cũ kỹ được thay thế bằng những cọc vách kiên cố. Đoạn đường đất chạy dọc kênh dài gần 300m lỗ chỗ ổ voi đã được bê tông hóa đến tận từng ngõ nhà. Chị Nguyễn Thị Tư, một hộ dân sống bên bờ kênh, cứ tấm tắc khen: “Ngày xưa cắm cừ tràm rồi lấp đất, cứ nước lên là thấp thỏm vỡ đê. Nước lên,  bà con muốn ra đường lớn thì phải bì bõm lội sình, có xe máy cũng chẳng đi được. Từ khi có bờ bao mới, người dân ở đây đi đâu đều dễ dàng thuận tiện, nửa đêm nước có lớn cũng chẳng phải lo. Các hộ trồng mai dọc tuyến bờ bao vì thế mà phát triển mạnh hơn”.

Tuyến bờ bao rạch Cầu Cống là một trong số 32 tuyến kênh rạch thuộc các quận 12, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Củ Chi được TPHCM đầu tư cải tạo với nguồn vốn hơn 900 tỷ đồng. Công trình được thành phố giao cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) thực hiện, ứng dụng cọc vách nhựa từ vật liệu mới uPVC.

 

Cọc vách nhựa uPVC đang được ứng dụng làm đê bao chống sạt lở, triều cường tại quận Bình Thạnh.

Trước đó, đơn vị này đã đi nghiên cứu công nghệ vật liệu cho bờ bao tại nhiều nước như Mỹ, Hà Lan và chọn được công nghệ tiên tiến. Sản phẩm sau khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm có độ bền 50 năm đối với thời tiết, điều kiện tự nhiên của TPHCM. Công ty đã cho nhập và làm thử hai công trình tại rạch Cầu Ngang và rạch Gò Dưa (Thủ Đức). Công trình cho thấy hiệu quả, bà con địa phương phấn khởi. Vì thế, CNS đã đầu tư dây chuyền sản xuất cừ nhựa uPVC gần 300 tỷ đồng phục vụ nhu cầu trong nước. Cọc vách nhựa uPVC được đánh giá có đặc tính nhẹ nên di chuyển và thi công dễ dàng trong mọi thời tiết. Khi xảy ra sự cố đê bao cần xử lý ngay thì đây là giải pháp có thể đáp ứng được. Nếu so với cách xây dựng bờ bao bằng bê tông cốt thép thì uPVC không bị oxy hóa, nên độ bền và thời gian sử dụng cao hơn rất nhiều. Đặc biệt, hàng năm không phải tốn chi phí duy tu, gia cố như các phương pháp truyền thống…

Ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc CNS, cho biết, trong số 32 công trình triển khai thi công, đến nay đã có 27 công trình tham gia chống ngập; theo kế hoạch, đến hết năm 2015 sẽ hoàn thiện tất cả và đưa vào sử dụng. Các công trình sau khi hoàn thiện đã góp phần chống sạt lở và bảo vệ các vùng ven tránh được triều cường cao. Dọc bờ bao cũng triển khai làm đường đất, lót đá dăm chống lầy, thuận tiện bà con tiện đi lại. Đánh giá tốt về hiệu quả của các công trình bờ bao chống ngập, mới đây TPHCM tiếp tục cho phép CNS thực hiện 13 công trình bờ bao khác tại quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn và huyện Củ Chi, sử dụng cọc vách nhựa uPVC.

Mở rộng thị trường

Sau khi thực hiện tại TPHCM, các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng liên hệ để tìm hiểu xây dựng dự án. Người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng quan tâm và mong muốn ứng dụng cọc vách uPVC để ngăn ao, đầm nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, hiện cọc vách nhựa uPVC còn mới, chưa có trong bộ định mức vật liệu do Bộ Xây dựng quy định. Nhiều tỉnh thành muốn ứng dụng đang gặp khó, bởi không biết phải lập dự toán kinh phí thế nào cho phù hợp. Theo ông Chu Tiến Dũng, một số địa phương đang dựa vào “bảng tạm tính” của TPHCM như một giải pháp để được triển khai áp dụng. Nhưng về lâu dài, muốn chủ động vẫn cần Bộ Xây dựng “cấp phép” cho loại vật liệu mới này. Bởi so với các giải pháp truyền thống như sử dụng cọc tràm thì uPVC rõ ràng đắt hơn, nhưng vẫn rẻ so với các công nghệ khác có cùng độ bền đến 50 năm.

Hiện các kỹ sư của CNS đang nghiên cứu tối ưu hóa vật liệu đầu vào, từng bước nội địa hóa thêm nguyên phụ liệu có sẵn trong nước, cải tiến khả năng sản xuất… để ra đời được cừ nhựa uPVC cùng chất lượng nhưng có giá thành rẻ hơn nữa, nhắm tới mục tiêu là các địa phương dù còn nghèo nhưng vẫn có khả năng ứng dụng được. Bên cạnh đó, các kỹ sư cũng tính toán xây dựng bản thiết kế cho từng mô hình, mỗi mục đích sử dụng, như làm ao cá hay bờ bao… mà tính toán giá cả, độ bền cho phù hợp.

Không chỉ trong nước mà các nước Thái Lan, New Zealand đã liên hệ nắm bắt công nghệ cừ nhựa uPVC của CNS. Riêng Thái Lan đã ký thỏa thuận, sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm hóa lý, sẽ tiến tới đặt hàng và xuất khẩu sang nước bạn.

 

Ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn: “Cừ nhựa uPVC và các bờ bao sử dụng vật liệu mới này ra đời trên cơ sở cụ thể hóa 6 chương trình đột phá của TPHCM, trong đó có chương trình chống ngập. Hiệu quả xã hội đã lớn nhưng hiệu quả kinh tế cũng lớn không kém. Trước mắt, cừ nhựa uPVC đã có cơ hội xuất khẩu, hứa hẹn tương lai sẽ mở rộng được thị trường sang các khu vực khác”.

 

- Trích nguồn: http://www.sggp.org.vn/khoahoc_congnghe/2015/10/398714/#sthash.XZPl0aca.dpuf

back-to-top.png